Hiểu đúng và đủ về quy định của Luật phòng, chống tác hại của bia rượu
Ngày làm việc cuối cùng tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã
biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Với 408/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm
84,30% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng,
chống tác hại của rượu bia. Đây là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn
cao, với mục tiêu cao nhất cả trước mắt và lâu dài là định hướng hành vi, thay đổi
thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất
lượng cuộc sống của người dân.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia
Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Luật, Quốc hội đã biểu
quyết thông qua riêng đối với khoản 6 Điều 5 dự thảo Luật quy định về hành vi bị
nghiêm cấm. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, trước tình hình ngày
càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia
gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và tiếp thu ý kiến
đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ
sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm “6. Điều
khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là
đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.
Như vậy, quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham
gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm,
đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc
hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.
Với 7 chương 36 điều, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia quy định biện
pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện
pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống
tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá
nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Luật nghiêm cấm các hành vi: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người
khác uống rượu, bia. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Bán, cung cấp, khuyến
mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18
tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia. Cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến
sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu, bia
ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Điều
khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Quảng
cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự
thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe. Khuyến mại trong hoạt động
kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15
độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất
hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực
phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ
nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia. Kinh doanh rượu không có giấy
phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động. Kinh doanh,
tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ
nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia. Và các hành vi bị nghiêm cấm khác liên
quan đến rượu, bia do luật định.
Luật cũng quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia như quy định về
thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; Trách
nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu,
bia; Địa điểm không uống rượu, bia; Quản lý việc khuyến mại rượu, bia có độ cồn
dưới 15 độ; Quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ; Quản lý việc
quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở
lên; Quản lý việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.
Quy định về biện pháp quản lý việc cung cấp rượu bia như: Điều kiện cấp
phép sản xuất rượu công nghiệp; Điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương
mại điện tử; Biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục
đích kinh doanh; Bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia; Địa
điểm không bán rượu, bia; Phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất
lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu.
Ngoài ra, luật cũng có các quy định về giảm tác hại của rượu bia, điều kiện
bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Luật phòng chống tác hại của rượu của rượu bia sẽ có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 01 tháng 01 năm 2020
Để luật đi vào cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính
phủ ngay sau khi Luật được thông qua cần chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền
rộng khắp để mọi người dân, gia đình, cơ quan, tổ chức hiểu rõ và thực hiện đầy
đủ, chính xác quy định của Luật, đồng thời khẩn trương ban hành các văn bản quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này và các quy định của Luật giao thông
đường bộ, Luật giao thông đường thủy nội địa và Luật Thương mại được sửa đổi
tại Luật này; chú trọng củng cố, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng,
chống tác hại của rượu, bia và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi
hành Luật.
Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm triển khai tốt việc thực hiện pháp luật về an
toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình..., để ngăn
chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm liên quan đến rượu,
bia; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để xây dựng
cơ chế đồng bộ, hữu hiệu trong phòng, chống tác hại của rượu, bia vì sức khỏe của
người dân và an toàn của cộng đồng./.
Các tin liên quan:
|