Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế hoàn toàn Nghị định 46/2016/NĐ-CP và có hiệu lực từ 01/01/2020. Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Nghị định 100 là các quy định về tăng mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Cụ thể, người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức cao nhất) sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (quy định cũ tại Nghị định 46 thì mức xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng), cùng với hành vi vi phạm như trên nếu là người điều khiển xe mô tô sẽ phải chịu mức xử phạt từ 6 đến 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (quy định cũ tại Nghị định 46 thì mức xử phạt từ 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng); người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng (trước đây chưa quy định xử phạt về nội dung này).... . Các mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khác đều tăng so với các quy định cũ tại Nghị định 46.
Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ: chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm, nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện. Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt tiền bằng 2 lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.
Nghị định cũng bổ sung quy định về việc cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên Chương trình Quản lý kiểm định để khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, cơ quan kiểm định thực hiện việc kiểm định theo quy định và cấp giấy chứng nhận kiểm định có thời hạn tạm thời hiệu lực là 15 ngày.
Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề để tránh tình trạng nhiều người bị giữ bằng lái đi làm lại bằng mới.