Đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng luôn được các quốc gia
quan tâm thực hiện. Thông qua hoạt động này, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước công
nhận và bảo hộ quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân, đồng thời có biện
pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng,
hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất
nước. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trong thời gian qua góp phần quan trọng
vào sự ổn định, trật tự an toàn xã hội; hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch và
đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cấp xã luôn được củng
cố, kiện toàn; hệ thống sổ sách về hộ tịch được lưu trữ, sử dụng lâu dài; thủ tục
hành chính trong đăng ký và quản lý hộ tịch có sự cải cách một bước, ngày càng
thuận lợi cho người dân; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch
được triển khai ở một số địa phương; đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài có
chuyển biến tích cực ...
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, tiến
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng,
việc dịch chuyển dân cư trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng, quyền con
người, quyền công dân đòi hỏi được ghi nhận và bảo đảm thực hiện ở mức cao
hơn…, nên công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và
quản lý hộ tịch, khắc phục nguyên nhân gây ra những bất cập, hạn chế nêu trên,
nhất là trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định
mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời tạo
sự chuyển biến mạnh mẽ công tác này theo hướng từng bước chuyên nghiệp, phù
hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới thì việc ban hành Luật Hộ
tịch là rất cần thiết. Trên tinh thần đó, Ngày 10/5/2014 Chính phủ có Tờ trình số
125/TTr-CP trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Hộ tịch. Ngày
20/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật hộ tịch, có
hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016và Luật có nội dung đáng chú ý như sau:
- Thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài sẽ giao cho UBND cấp
huyện giải quyết.
- Miễn lệ phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách
mạng; người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật.
- Về thẩm quyền đăng ký khai sinh: sẽ do UBND cấp xã nơi cư trú của
người cha hoặc người mẹ thực hiện, trước kia thẩm quyền này được ưu tiên cho
UBND nơi cư trú của người mẹ.
- Bổ sung quy định Nội dung giấy khai sinh như thông tin của người đăng ký
khai sinh; thông tin của cha, mẹ; Số định danh của cá nhân của người được đăng
ký khai sinh.
Cụ thể, Luật hộ tịch gồm có 7 chương và 77 điều, được bố cục như sau:
Chương I. Những quy định chung (gồm 12 điều, từ Điều 1 đến Điều 12)
Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; khái niệm hộ tịch, đăng ký hộ
tịch và nội dung đăng ký hộ tịch, nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của
cá nhân; thẩm quyền đăng ký hộ tịch; trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo
đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; phương thức yêu cầu và tiếp
nhận yêu cầu đăng ký hộ tịch; việc hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ do cơ
quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp; lệ phí hộ tịch. Ngoài ra, chương này còn
giải thích một số từ ngữ sử dụng trong Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm
đối với cá nhân trong đăng ký, quản lý hộ tịch và lệ phí đăng ký hộ tịch...
Chương II. Đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã (gồm 7 mục, 22
điều, từ Điều 13 đến Điều 34)
Chương này quy định về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký các loại
việc hộ tịch trong nước thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã, bao gồm:
Mục 1. Đăng ký khai sinh (gồm 04 điều: từ Điều 13 đến Điều 16);
Mục 2. Đăng ký kết hôn (gồm 02 điều: từ Điều 17 đến Điều 18);
Mục 3. Đăng ký giám hộ (gồm 05 điều: từ Điều 19 đến Điều 23);
Mục 4. Đăng ký nhận cha, mẹ, con (gồm 02 điều: Điều 24, Điều 25);
Mục 5. Đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch (gồm 04 điều: từ Điều
26 đến Điều 29);
Mục 6. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch theo bản án, quyết định của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền (gồm 02 điều: Điều 30 và Điều 31);
Mục 7. Đăng ký khai tử (gồm 03 điều: Điều 32, Điều 33, Điều 34).
Chương III. Đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp huyện (gồm 7
Mục, 18 điều, từ Điều 35 đến Điều 52).
Chương này quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký các
loại việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp
huyện, bao gồm:
Mục 1. Đăng ký khai sinh (gồm 02 điều: Điều 35, Điều 36);
Mục 2. Đăng ký kết hôn (gồm 02 điều: từ Điều 37 đến Điều 38);
Mục 3. Đăng ký giám hộ (gồm 04 điều: từ Điều 39 đến Điều 42);
Mục 4. Đăng ký nhận cha, mẹ, con (gồm 02 điều: Điều 43, Điều 44);
Mục 5. Đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc
(gồm 03 điều: Điều 45, Điều 46, Điều 47);
Mục 6. Ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải
quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (gồm 03 điều: Điều 48, Điều 49,
Điều 50);
Mục 7. Đăng ký khai tử (gồm 02 điều: Điều 51, Điều 52).
Chương IV. Đăng ký hộ tịch tại cơ quan đại diện (gồm 4 điều, từ Điều
53 đến Điều 56)
Cơ quan đại diện là một trong 3 hệ thống cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ
tịch theo quy định của Luật. Việc đăng ký hộ tịch tại Cơ quan đại diện góp phần
bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài.
Chương này quy định một số vấn đề chung mang tính nguyên tắc đối với việc đăng
ký hộ tịch tại Cơ quan đại diện như: Nguyên tắc không trái với pháp luật của nước
tiếp nhận và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Điều 53); Công chức
làm công tác hộ tịch tại cơ quan đại diện (Điều 54); Lập Sổ hộ tịch tại Bộ Ngoại
giao (Điều 55) và trách nhiệm báo cáo của Cơ quan đại diện (Điều 56).
Chương V. Cơ sở dữ liệu hộ tịch, cấp trích lục hộ tịch (gồm 2 Mục, 08
điều, từ Điều 57 đến Điều 64)
Mục 1. Cơ sở dữ liệu hộ tịch (gồm 5 điều từ Điều 57 đến Điều 61) quy định
về Cơ sở dữ liệu hộ tịch; Sổ hộ tịch; Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; cập nhật, điều
chỉnh thông tin hộ tịch cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; nguyên tắc
quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Mục 2. Cấp trích lục hộ tịch (gồm 3 điều từ Điều 62 đến Điều 64) quy định
về cấp bản chính trích lục hộ tịch khi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch
về sự kiện hộ tịch đã đăng ký và thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch.
Chương VI. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về hộ tịch, công chức làm
công tác hộ tịch (gồm 2 Mục, 10 điều, từ Điều 65 đến Điều 74).
Mục 1. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch (gồm 7 điều, từ Điều 65
đến Điều 71) quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch từ Trung
ương đến cơ sở, bao gồm cả Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Mục 2. Công chức làm công tác hộ tịch (gồm 3 điều, từ Điều 72 đến Điều
74) quy định về công chức làm công tác hộ tịch; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn;
những việc mà công chức làm công tác hộ tịch không được làm.
Chương VII. Điều khoản thi hành (gồm 03 điều, từ Điều 75 đến Điều 77)
Chương này quy định về giá trị pháp lý của Sổ hộ tịch được lập, giấy tờ hộ
tịch được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực, điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực
thi hành của Luật hộ tịch.
Kể từ khi Luật hộ tịch được thông qua tới nay, Chính phủ đã ban hành các
văn bản hướng dẫn luật bao gồm:
+ Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch;
+ Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định
123/2015/NĐ- CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành;
+ Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP hướng dẫn việc đăng ký và
quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao. Cơ quan đại diện lãnh sự của
Việt Nam ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Bộ Tư pháp ban hành.